10:53 -

Tết Nguyên Đán Việt

Tết Cổ Truyền Việt - Tết Nguyên Đán của Việt Nam hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Việt Nam hay chỉ đơn giản Tết là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam...

Tết Nguyên Đán của Việt Nam hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Việt Nam hay chỉ đơn giản Tết là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa. Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 hàng năm. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như Tết Táo Quân (23 tháng chạp âm lịch) hay còn gọi là đưa ông táo và Tất Niên (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch). Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên ông bà...

Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo. Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ. Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Lễ cúng gồm có hương, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép là cá chép thật hoặc được làm bằng giấy. Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu và ngày 23 cũng là ngày dựng nêu. Theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở. Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5–6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng địa phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai...

Trước ngày Tết, người Việt cũng chuẩn bị bánh Chưng, bánh Dầy, bánh Tét và các món ăn thịnh soạn để dâng lên ông bà tổ tiên. Bánh chưng củng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, gói bằng lá dong còn nguyên liệu làm bánh Tét củng như vậy nhưng được gói bằng lá chuối.

Ngoài ra các bà các mẹ trong nhà phải thức khuya quay tơ, dệt vải, may áo quần mới cho cả nhà. Công việc này thường kết thúc vào ngày cuối năm. Đến sáng mùng Một Tết, cả nhà dậy sớm, thay quần áo mới để làm lễ gia tiên. Người ta cho rằng cần phải rũ bỏ những cái cũ, cái không may mắn đi theo quần áo cũ và đón một năm mới với nhiều hi vọng và niềm vui mới từ bộ quần áo mới đó.

Không những thế để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân vẫn còn trọng tục treo "câu đối đỏ" nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ. Và những câu đối này mang ý nghĩa cầu an, cầu tài lộc cho năm mới.

Còn ngày sát Tết thì có ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên thuờng làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Thời điểm bắt đầu vào giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Trong những ngày Tết, người Việt mong muốn có sự hiện diện của Ông Bà tổ tiên nên ngày này cũng là ngày đón Ông, Bà và bàn thờ luôn được thắp hương và cúng cơm mỗi ngày đến chiều mồng Ba thì cúng tiễn đưa Ông, Bà.

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà. Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm "cành vàng lá ngọc" (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5 hoặc gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục "vũ trụ" là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó). Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có chừng năm thứ trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Mâm ngũ quả của người miền Bắc gồm: chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, quýt, lê-ki-ma, hồng, đào, táo. Chuối xanh cong lên ôm lấy bưởi mang ý nghĩa đùm bọc. Còn mâm ngũ quả người miền Nam gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, sung, xoài với ngụ ý cầu sung vừa đủ xài.

Ngoài ra các gia đình Miền Bắc thường chọn cành Đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây Đào trang trí trong nhà, theo quan niệm Đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân. Còn miền Nam và miền Trung thường là hoa Mai màu vàng hoa Mai tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống. Đối với người miền Nam, nếu hoa Mai nở đúng vào lúc đón giao thừa hay nở vào sáng sớm ngày mùng một Tết thì điều đó có nghĩa là sự may mắn, thịnh vượng, và hạnh phúc sẽ đến với cả gia đình trong năm đó.

Còn món ăn ngày Tết thì tùy theo từng vùng miền mà món ăn cũng được chuẩn bị khác nhau nhưng riêng bánh Chưng, bánh Tét thì gia đình nào cũng có. Ngoài ra còn có các món ăn khác như: Giò Lụa, Giò Mở, Thịt Gà, Canh Măng, Miếng, Nem Rán, Nem Chua... Và các món ăn đặc trưng của từng vùng miền. Đối với miền Bắc thì còn có thêm món ăn đặc trưng như: Cơm Rượu, Thịt Đông, Dưa Hành Muối... Đối với miền Trung thì có: Tré, Thịt Chua và Tai Heo... Còn ở miền Nam thì có: Thịt Kho Hột Vịt, Khổ Qua Hầm, Dưa Giá, Củ Kiễu, Bánh Tráng Nhúng... Còn món ngọt để đãi khác thì có các lại mứt như: mứt Gừng, mứt Bí, mứt Cà Chua, mứt Táo, mứt Dừa, mứt Quất, mứt Khoai, mứt Hạt Sen, mứt Chà-Là, mứt Lạc, mứt Me... Ngoài ra còn có Hạt Dưa, hạt Hướng Dương, hạt bí, hạt điều, hạt dẻ... Và đặt biệt không thể thiếu quả Dưa Hấu đỏ trong mỗi gia đình. Thức uống ngày Tết phổ biến nhất vẩn là các loại rượu: rượu nếp thơm, nếp cái hoa vàng (người Kinh), nếp nương (người Thái), nếp cẩm (người Mường), rượu San lùng, rượu ngô (người H'Mong, người Dao), rượu Mẫu sơn (người Tày, nguời Nùng), ruợu Bàu đá (Trung bộ), rượu đế (Nam Bộ)... Ngày nay còn có thêm các loại ruợu Tây, Bia và các loại Nước Ngọt.

Tục lệ xông đất là phong tục đã có lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm ngày Mồng Một của năm mới nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên. Trong những ngày Tết người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ gọi là Lì Xì với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là Tiền Mở Hàng. Xưa còn có lệ cho tiền vào phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Ngày đầu năm còn có tục xuất hành. Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần...

Người Việt còn có tục đi lễ đền, chùa đầu năm. Sau khi lễ bái, Còn có tục bẻ lấy một một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước đó là tục hái lộc. Cành lộc là một cành cây nhỏ có trong đền, chùa với ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ.

Trong những ngày Tết người Việt thường hay đi thăm viếng họ hàng là để gắn kết tình cảm gia đình họ hàng. Lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công... Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau tai qua nạn khỏi hay của đi thay người nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Đến thăm hỏi những người hàng xóm của mình, những gia đình sống gần với gia đình mình, chúc họ những câu tốt lành đầu năm mới. Những chuyến thăm hỏi này giúp gắn kết mọi người với nhau, xóa hết những khúc mắc của năm cũ, vui vẻ đón chào năm mới. Và cũng không quên đi thăm những người bạn bè, đồng nghiệp, những người thân thiết với mình để chúc họ những câu tốt lành, giúp tình cảm bạn bè gần gũi hơn.

Trong những ngày này theo phong tục thì chỉ ăn uống vui chơi nên cũng thường diển ra nhiều lễ hội truyền thống khác như thi đấu cờ người; đua thuyền, đấu vật, đánh còn, múa lân, múa rồng, thi thả chim bồ câu, hát bội, hát cải lương, hát chèo, đánh đu, thi leo cột mỡ, đập niêu, chọi gà; bài chòi; chơi tổ tôm điếm... tùy theo bản sắc văn hóa của mình mà mỗi địa phương đều tổ chức lễ hội ngày tết với những phần "lễ" và phần "hội" chứa đựng những nét văn hóa khác nhau rất phong phú.

Đến ngày mồng 7 tháng Giêng (cũng có thể là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ Cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng.

" Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh "

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét